Mọi người thường cho rằng điều đau khổ nhất là mất đi một mối quan hệ. Nhưng thật ra không phải vậy. Điều đau khổ nhất là đánh mất chính mình trong một mối quan hệ và chỉ nhận ra khi mọi thứ đã quá muộn”.
Tất cả các mối quan hệ đều sẽ dạy chúng ta về mối quan hệ với chính bản thân mình. Khi bạn tìm thấy bản thân mình, bạn mới có thể tìm thấy người đúng cho mình. Khi bạn có kết nối vững chắc với bản thân, bạn sẽ không dễ dàng đánh mất bản thân mình trong một mối quan hệ. Đánh mất chính mình trong một mối quan hệ, thường là hệ quả của việc bạn chưa tìm được, chưa củng cố và xác định rõ danh tính của mình (đó là bản sắc, tiêu chuẩn, nguyên tắc, giới hạn, giá trị của chính mình). Khi chưa xác định rõ danh tính của bản thân, bạn sẽ có xu hướng đánh đồng mối quan hệ đó với danh tính của bạn và bạn không là ai cả, bạn sẽ không có cuộc sống riêng của mình mà bạn nghĩ chỉ duy nhất mối quan hệ đó chính là cuộc sống của bạn. Điều này sẽ dẫn đến kết quả gì tiếp theo?. Đó chính là sự phụ thuộc, nổi sợ phải cô đơn một mình và sợ bị bỏ rơi. Chúng ta sẽ bám víu vào những mối quan hệ mà chúng ta biết rõ nó không lành mạnh và chúng ta sẽ tiếp tục trượt ngày càng dài trên con đường dẫn mình đi xa hơn bản chất thật sự của mình.
Nhiều người cho rằng nếu ta sống một mình thì sẽ cô đơn nhưng thật ra “một mình” và “cô đơn” là hai khái niệm khác nhau hoàn toàn. Người ta cô đơn khi mang cảm giác bị bỏ rơi, bị cả thế giới quay mặt hoặc một người nào đó ruồng bỏ. Nguyên nhân dẫn đến bi kịch này nằm ở sự phụ thuộc của chúng ta vào một đối tượng. Chúng ta sống độc lập, càng độc lập chỉ số hạnh phúc càng cao. Khi phụ thuộc vào một ai đó, chúng ta có ảo giác rằng người này quyết định sự vui buồn, sống chết của mình. Đó là thứ ảo giác nguy hại cho chúng ta. Chẳng ai quyết định được việc bạn vui hay bạn buồn, thỏa mãn hay không thỏa mãn và thực tế chẳng ai bên cạnh chúng ta mãi mãi. Những người bị người yêu hay vợ chồng bỏ đã cảm thấy hụt hẫng nhưng không hẳn hụt hẫng vì sự cần thiết của người đó trong cuộc sống của họ mà họ bị lệ thuộc vào một thói quen, một kỷ niệm, một ký ức tốt đẹp nào đó đã từng có với nhau. Hãy để ký ức tốt đẹp ở đó, còn thói quen thì phải sớm dứt ra, đừng phụ thuộc vào nó. Tôi chợt nhớ trong tiếng Anh, có từ “connection” (liên kết, kết nối) và “attachment” (sự phụ thuộc, sự ràng buộc). Tôi rất thích từ “kết nối”, tôi thường sử dụng nó bởi vì “kết nối” đem đến sức mạnh và làm tăng thêm năng lượng cho mình trong khi “sự phụ thuộc” sẽ hút dần năng lượng của chính mình, đến lúc mình bị cạn năng lượng lúc nào mà mình không hay biết.
Chúng ta chịu trách nhiệm về chính hạnh phúc của bản thân mình. Không ai có thể làm bạn hạnh phúc cho đến khi bạn hạnh phúc với bản thân mình. Khi có hạnh phúc, bạn sẽ chia sẻ hạnh phúc với người khác, chứ không phải tìm hạnh phúc từ người khác để bạn có hạnh phúc. Đó không phải là cách quy luật diễn ra. Cách quy luật diễn ra là bạn hạnh phúc với chính bản thân mình và đến với người khác để chia sẻ hạnh phúc mà chúng ta có được, rồi nhân đôi hạnh phúc đó thêm nữa thay vì bạn tìm kiếm hạnh phúc từ người khác hay bạn cầu xin hạnh phúc của người khác. Chúng ta cũng không có trách nhiệm làm cho ai hạnh phúc hay ai đó cũng có nghĩa vụ làm cho chúng ta hạnh phúc. Chính bởi sự kỳ vọng này chúng ta sẽ tạo ra những mối quan hệ phụ thuộc và không biết cách thiết lập giới hạn của chính mình.
KẾT
Trượt ngày càng xa thì con đường tìm về lại với bản thân mình ngày càng khó khăn. Nhưng nếu một bước nhỏ về hướng đúng sẽ là bước quan trọng nhất của hành trình tìm về lại với chính mình. Quan trọng là chúng ta phải quyết định dứt khoát, hành động ngay thay vì cứ chần chừ, thấy nãn khi nhìn lại chúng ta đã trượt quá xa trên cuộc hành trình tìm về “nhà” với bản thân.
Blog khoảnh khắc cuộc sống